"Tương lai kỹ sư Cầu Đường" nói riêng; rộng hơn: tương lai của chính mỗi chúng ta, phụ thuộc vào chính chúng ta.
Chúng ta, xét cho cùng, vẫn là người quyết định tương lai của chính mình.
Kể cả khi có người nói: giày dép còn có số má, huống chi con người, nhưng vẫn có câu "đức năng thắng số", hoặc: "xưa nay nhân định thắng thiên (định) cũng nhiều".
Vẫn xin lấy hình ảnh một người lữ hành trên con đường cuộc đời của mình.
|
Bình đồ cầu |
Người vô lo vô nghĩ thì cứ hồn nhiên mà bước, không biết cách nhặt nhạnh những thứ cần thiết cho cuộc hành hương. Đến khi mỏi gối, chồn chân, không có cái ăn cái uống; chẳng có tính toán, nên cũng chẳng có chỗ trú chân. Đành chịu đói, chịu rét, chịu mỏi mệt bên đường, trong đêm lạnh giá. Ngửa mặt than: số tôi bị trời đày!
Kẻ quá lo toan thì cái gì thấy cái gì cũng nhặt. Đến nỗi, hành trang quá nặng, chẳng thể lê bước tới đích. Kêu trời: đời tôi cực khổ quá.
|
Bố trí chung cầu |
Người khôn ngoan biết nhặt nhạnh cái gì mình cần, cái gì phù hợp cho chuyến đi, biết ước lượng xa gần; Nên: đói có cái ăn, khát có thứ uống, mệt mỏi có chỗ ngả lưng. Không quá nhẹ, mà cũng chẳng quá nặng, hành trang anh ta mang theo là cần thiết, cho chính anh ta.
Tương lai của chúng ta có lẽ phụ thuộc rất lớn vào những quyết định và lựa chọn của chúng ta. Nếu khi cần quyết định một vấn đề gì đó, ta lại quá lưỡng lự, làm cho cơ hội nhiều khi vượt qua tầm tay (tiếc thay, cuộc đời mỗi người chỉ có hữu hạn một số cơ hội nào đó). Còn khi cần phải cân nhắc, ta lại quá vội vàng, dẫn đến những lầm lẫn phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc, sức khỏe… Ví như, với một sinh viên: nhiều bạn thật lưỡng lự khi ngồi vào bàn học hoặc máy tính để tìm hiểu, để đọc sách, ôn bài, hoặc làm đồ án. Nhiều lúc hô hào đến mấy lần, vẫn chưa thể khởi động. Chẳng cứ gì SV, các KS của chúng ta, thử hỏi có được bao nhiều người dám nghĩ, dám quyết định, dám làm và dám chịu trách nhiệm? Có bao nhiêu KS, mỗi ngày chịu bỏ ra vài chục phút để đào sâu kiến thức, rèn luyện thêm kỹ năng, mở rộng thêm tầm hiểu biết, để đến khi đạt độ “chín” thì “xuống núi” để “hành hiệp giang hồ”.
|
Mặt cắt ngang cầu |
Nhưng trái lại, quyết định bỏ học, nghỉ việc để uống cà phê, đánh bài, chơi game hoặc bi da, hay nhậu nhẹt với bạn bè... lại thường diễn ra rất nhanh, đôi khi chỉ là tích tắc.
Sự lựa chọn thường là: cái thích làm, cái dễ làm.
Than ôi, cánh cửa thành công lại thường là cánh cửa hẹp, chỉ những người có đủ thông thái mới chọn cửa hẹp thay vì chọn cánh cửa rộng; biết chọn cái gian khổ, khó khăn thay cho cái thuận lợi, dễ dàng.
Trong cuộc đời, ta thường làm những việc phải làm. Thi thoảng, ta mới được làm việc mà mình thích làm. Ấy nhiều khi cũng là cách để nhận biết những lựa chọn đúng/sai.
Thời gian chính là tài sản mà mỗi người có. Thường chỉ đến khi đã đi qua bên kia con dốc của cuộc đời mình, con người ta mới bắt đầu biết đếm ngược những tháng ngày còn lại của đời người. Quả là đáng tiếc!
Tương lai cuả chúng ta, có lẽ cũng phụ thuộc rất lớn vào thái độ của chúng ta. Đã có nhiều kết luận rằng: ngay cả khi đã có kiến thức và kỹ năng, một người chỉ “tỏa sáng” khi anh ta có một thái độ (học tập, làm việc) đúng mực. Người đầy “bụng chữ”, cái gì cũng biết làm, nhưng học tập/làm việc với thái độ bàng quang, thờ ơ, hoặc không làm gì cả, sẽ chẳng bao giờ có một kết quả tốt.
Nhiều người lầm tưởng rằng: mình làm hay, hoặc làm dở, nào có ai biết tới. Nhận định đó thường là nhầm lẫn. Việc ta làm, trước hết là ta biết. Làm việc tốt, làm việc hiệu quả, trước hết thỏa mãn nhu cầu của chính chúng ta. Ta thỏa mãn với những đầu tư mà mình đã bỏ ra, không phải hối tiếc rằng: biết thế thì mình cố thêm chút nữa, hẳn công việc mà ta phải làm đã thành công. Như thế, chí ít, ta đã tự làm cho mình thỏa mãn về những điều mình đã làm, trong cuộc đời này. Đồng nghiệp, cộng sự, người quản lý (sếp) cũng sẽ biết những điều ta làm, và đã làm được đấy. Có điều, chưa chắc họ đã nói ra. Đừng sợ thiệt thòi trước những kẻ “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” vì, “cái kim trong bọc” lâu ngày ắt cũng sẽ “lòi ra”.
|
Bố trí chung dầm |
Có thái độ tốt, cũng nên kiên trì thái độ ấy. Cây cỏ, chỉ khi đủ trưởng thành, mới đâm hoa kết trái được. Con người cũng thế. Chỉ khi ta đã có đủ năng lực và sự trải nghiệm, thường lúc ấy thành công mới đến. Một vài năm ra trường, đã vội than nghèo, e là quá sớm. Cũng đừng nên so sánh với những người thuộc loại “gia đình có điều kiện”, chưa hẳn những thành công của họ đã đáng tự hào hơn những thành công của ta. Chưa hẳn tương lai (xa) của họ đã hơn tương lai của ta. Liệu cái khoản “có điều kiện” kia có là mãi mãi, vững bền?
Tương lai tốt, có lẽ cũng chỉ đến với những người biết hoạch định cho cuộc đời và sự nghiệp của mình. Một người sẽ chẳng có tương lai tốt khi anh ta chưa xác định được rõ, anh ta là ai, trong từng khúc quanh của cuộc đời mình. Anh ta sẽ là ai trong đoạn đường ngắn/dài sắp tới. Anh ta sẽ phải làm gì để đạt được những điều mình đã hoạch định ấy. Có quá nhiều SV lúng túng khi được hỏi “tại sao em học đại học?”, hoặc “tại sao em chọn ngành cầu đường?”, hay “em sẽ làm gì sau khi ra trường?”.Hoặc giả: “em có dự định gì trong cuộc sống?”, cao hơn nữa: “em có ước mơ gì”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng: để có một tương lai tốt, cần một chút may mắn. Nhiều người đồng tình với nhận định này. Làm gì cũng cần một chút “may mắn” để có thể thành công. Điều này thật khó lý giải. Có lẽ, cũng chính vì thế mà có câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tuy nhiên, chắc chẳng mấy ai nỡ than thân trách phận vì cha mẹ mình nghèo quá, mình kém may mắn khi sinh ra trong gia đình ấy. Nhưng cũng cần thấy thêm rằng, “may mắn” nhiều khi không phải là ngẫu nhiên. Học ít, học tủ, thi được điểm cao, ấy là “may mắn”? Nếu hiểu thế, thì người học hành siêng năng, sẽ có nhiều may mắn hơn trường hợp kia.
|
Thi công cầu |
Không phải KS Cầu Đường nào cũng có tương lai sáng lạn cả. Song tương lai của ta thế nào, phụ thuộc vào chính chúng ta. Ông bà ta cũng đã dạy: “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. KSCĐ thời buổi này khó khăn hơn những năm trước, âu cũng là câu chuyện có lên có xuống, khi thăng lúc trầm, khi thịnh lúc suy.
Đến vận nước cũng còn như thế, huống chi là "vận" của KS Cầu Đường.
Suy rồi thịnh, thịnh rồi lại suy...
Lịch sử đã cho thấy: chẳng có cái gì là “muôn năm” cả.
Sự kỳ diệu của tư duy lớn
Trả lờiXóa